Sức khỏe môi trường

ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG SAU CAN THIỆP TẠI 03 TỈNH MỚI VÀ 03 TỈNH CŨ

Tháng 04 – 05/2014, Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng và Phòng chống chấn thương (CCHIP) đã thực hiện “Đánh giá hoạt động truyền thông sau can thiệp tại 3 tỉnh mới, 3 tỉnh cũ”. Hoạt động thuộc dự án thành phần “Phòng chống cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch cúm” (VAHIP) đã triển khai được 2 giai đoạn với rất nhiều hoạt động khác nhau. Trong đó tăng cường năng lực truyền thông thay đổi hành vi tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng là một trong những hoạt động quan trọng.

Nghiên cứu “Đánh giá hoạt động truyền thông sau can thiệp tại 3 tỉnh mới, 3 tỉnh cũ” được tiến hành nhằm đánh giá các tác động ban đầu của dự án trong việc cải thiện kiến thức, thái độ và thực hành của cán bộ y tế và cộng đồng, với 2 mục tiêu:

(1) Điều tra về kiến thức, thái độ và thực hành của cán bộ y tế (bao gồm hệ dự phòng và hệ điều trị) và cộng đồng về phòng chống cúm A/H5N1;

(2) Đánh giá số lượng và thực trạng sử dụng tài liệu, trang thiết bị hỗ trợ hoạt động truyền thông.

Đối tượng nghiên cứu bao gồm Người dân trong độ tuổi 15-60 trong cộng đồng thuộc 6 tỉnh dự án (3 tỉnh cũ và 3 tỉnh mới); Cán bộ y tế có nguy cơ cao và có trách nhiệm trực tiếp trong phòng và chống dịch cúm A/H5N1 tại các tuyến tỉnh, huyện, xã và thôn bản. Đánh giá sử dụng thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích, kết hợp định lượng và định tính. Địa điểm là 3 tỉnh mới: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Tây Ninh và 3 tỉnh cũ: Thái Bình, Bình Định, Long An; mỗi tỉnh chọn 1 huyện, mỗi huyện chọn 2 xã để đánh giá. Kết quả của báo cáo được so sánh với đánh giá trước can thiệp tại 3 tỉnh mới (2011) và đánh giá kiến thức, thái độ và thực hành cuối kỳ giai đoạn trước tại 8 tỉnh cũ (2010 – 2011). Số cán bộ y tế hệ điều trị tham gia nghiên cứu là 262, cán bộ y tế hệ dự phòng là 307, cộng đồng là 846.

 Nghiên cứu đã thu được các kết quả đánh giá về kiến thức, thái độ, thực hành của cán bộ y tế và cộng đồng phòng chống cúm A/H5N1 cụ thể: Cán bộ y tế điều trị đã có những thay đổi tích cực về kiến thức, thái độ và hành vi về phòng chống cúm A/H5N1 so với thời điểm trước can thiệp; Đối với cán bộ y tế hệ dự phòng, hầu hết các chỉ số liên quan đến kiến thức, thái độ và hành vi tăng so với trước can thiệp; Sau can thiệp người dân đã có kiến thức, thái độ và hành vi phòng chống cúm A/H5N1 tốt hơn so với thời điểm trước can thiệp.

Kết quả về thực trạng sử dụng tài liệu, trang thiết bị truyền thông, trong giai đoạn bổ sung vốn, Dự án VAHIP đã hỗ trợ 6 tỉnh nhiều loại trang thiết bị và tài liệu truyền thông, đặc biệt là nhóm 3 tỉnh mới. Trang thiết bị hỗ trợ và tài liệu truyền thông được cấp phát đã hỗ trợ cho cán bộ y tế chủ động triển khai các hoạt động truyền thông tại cơ sở y tế, tại các trường học và cộng đồng một cách hiệu quả. Dựa trên các ý kiến đề xuất từ địa phương, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm duy trì và phát huy các hoạt động truyền thông trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Đồng thời, khuyến nghị việc tận dụng hiệu quả các trang thiết bị và tài liệu truyền thông mà dự án đã cung cấp; định hướng can thiệp cho các dự án truyền thông sau này.

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng và
Phòng chống chấn thương