ĐÁNH GIÁ CUỐI KỲ DỰ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐIỀU PHỐI THÔNG TIN CHO CỘNG ĐỒNG VỀ VẬN CHUYỂN CẤP CỨU VÀ CHĂM SÓC CHẤN THƯƠNG”
Tháng 10/2008 – 12/2008, Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng và Phòng chống chấn thương (CCHIP) đã thực hiện đánh giá cuối kỳ dự án “Nâng cao năng lực điều phối thông tin cho cộng đồng về vận chuyển cấp cứu và chăm sóc chấn thương”
Với sự tài trợ của Tổ chức Atlantic Philanthropies, từ tháng 1/2006 đến 6/2008 Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã triển khai dự án “Nâng cao năng lực điều phối thông tin cho cộng đồng về vận chuyển cấp cứu và chăm sóc chấn thương” trên địa bàn hai tỉnh: Hà Nội, Thừa Thiên Huế với mục tiêu dài hạn là góp phần giảm tỷ lệ mắc và tử vong do thương tích trước khi đến bệnh viện. Mục tiêu ngắn hạn gồm (1) Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin cho cộng đồng về vận chuyển cấp cứu, chăm sóc chấn thương và phòng chống thương tích; (2) Thí điểm thực hiện việc tư vấn thông tin về vận chuyển cấp cứu và chăm sóc chấn thương, phòng chống thương tích cho cộng đồng tại thành phố Hà Nội và Thừa Thiên Huế.
Tháng 10 năm 2008 CCHIP phối hợp với Cục triển khai đánh giá cuối kỳ của Dự án với Mục tiêu chung là: Đánh giá những đóng góp của dự án trong việc nâng cao năng lực cho cộng đồng về vận chuyển cấp cứu và chăm sóc chấn thương trong việc thực hiện mục tiêu làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do thương tích trước khi đến bệnh viện trong Chiến lược quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích. Những bài học rút ra từ dự án này sẽ là cơ sở để triển khai mở rộng dự án ra các địa bàn khác trong toàn quốc.
Mục tiêu cụ thể của nghiên cứu bao gồm việc đánh giá 7 khía cạnh của dự án:
1. Sự phù hợp của dự án (Relevance): Đánh giá sự phù hợp của mục tiêu của dự án đối với nhu cầu của cộng đồng trong chăm sóc chấn thương,cũng như phù hợp với các chính sách hiện hành.
2. Những kết quả của dự án (outcomes) : Đánh giá kết quả đã thực hiện được( so sánh với kết quả mong đợi của dự án) bao gồm việc xây dựng các tài liệu, tư vấn, cung cấp trang thiết bị, xây dựng hệ thống điều phối thông tin về vận chuyển cấp cứu, chăm sóc chấn thương và phòng chống TNTT tại 2 địa phương triển khai dự án.
3. Hiệu quả của dự án (Effectiveness): Đánh giá những đóng góp của dự án trong việc nâng cao kiến thức, thái độ và thực hành của người dân, tình nguyện viên và của cán bộ y tế về dịch vụ thông tin vận chuyển cấp cứu và chăm sóc chấn thương cũng như hoạt động cấp cứu tại cơ sở y tế.
4. Hiệu suất của dự án (Efficiency): Cách thực hiện dự án có theo đúng kế hoạch, đã tối ưu chưa
5. Tác động của dự án (Impact): Đánh giá tác động dự án trong việc làm tăng tỷ lệ sử dụng các dịch vụ cấp cứu và giảm tỷ lệ mắc và tử vong do thương tích trước khi đến bệnh viện cũng như thay đổi hành vi trong tìm kiếm dịch vụ y tế.
6. Tính bền vững (Sustainability): Đánh giá tính bền vững của dự án sau khi kết thúc nguồn kinh phí tài trợ. Đồng thời đưa ra các kiến nghị nhằm duy trì tính bền vững của dự án.
7. Bài học kinh nghiệm ( Lessons learnt): Nêu được những thành công, thuận lợi, khó khăn, thiếu sót trong khi thực hiện dự án. Đưa ra các bài học kinh nghiệm làm cơ sở nhân rộng dự án .
Phương pháp đánh giá bao gồm tổng quan tài liệu sẵn có và khảo sát thực địa tại các tỉnh Hà Nội và Huế. Phương pháp thu thập thông tin được sử dụng bao gồm: (1) phỏng vấn định lượng (160 cán bộ y tế và 110 tình nguyện viên); (2) thảo luận nhóm với tình nguyện viên và cán bộ y tế tại trung tâm 115, bệnh viện trung ương và bệnh viện tỉnh; và (3) phỏng vấn sâu đại diện các bên liên quan: Cán bộ dự án, lãnh đạo bệnh viện tham gia dự án, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện/xã/trường/TYT), phỏng vấn định lượng (phỏng vấn 160 cán bộ y tế, 110 tình nguyện viên).
Nghiên cứu đánh giá đã thu được các kết quả về sự phù hợp của Dự án, kết quả triển khai các hoạt động của Dự án sau 2 năm, sự hiệu quả, hiệu suất, tác động và tính bền vững của Dự án cũng như các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động. Đồng thời, các khuyến nghị cũng được đưa ra nhằm định hướng cho các hoạt động can thiệp tiếp theo.