ĐIỀU TRA KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ VÀ THỰC HÀNH CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ VÀ TÌNH HÌNH TRANG THIẾT BỊ CÁC BỆNH VIỆN TỈNH, QUẬN, HUYỆN VÀ TRẠM Y TẾ XÃ/PHƯỜNG VỀ CHĂM SÓC CHẤN THƯƠNG THIẾT YẾU
Tháng 10/2006 – 03/2007, Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng và Phòng chống chấn thương (CCHIP) đã thực hiện điều tra kiến thức, thái độ và thực hành của nhân viên y tế và tình hình trang thiết bị các bệnh viện tỉnh, quận, huyện và trạm y tế xã/phường về chăm sóc chấn thương thiết yếu tại 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Trị.
Nghiên cứu điều tra được thực hiện vào tháng 10/2006 – 03/2007 tại 2 tỉnh với 02 mục tiêu cụ thể:
1. Đánh giá khả năng của nhân viên y tế tại các tuyến về chăm sóc chấn thương thiết yếu
2. Đánh giá thực trạng trang thiết bị, khả năng đáp ứng về chăm sóc chấn thương thiết yếu của cơ sở y tế các tuyến
Nghiên cứu sử dụng kết hợp các phương pháp dịch tễ học mô tả cắt ngang, kết hợp định lượng và định tính. Đối tượng tham gia là Bác sĩ làm nhiệm vụ cấp cứu, hồi sức, phục hồi chức năng và liên quan đến chăm sóc chấn thương; điều dưỡng viên, y tế phục vụ cấp cứu, hồi sức, phục hồi chức năng, hộ sinh (xã/phường). Đặc biệt ưu tiên lựa chọn các bộ được phỏng vấn đang làm việc tại các khoa cấp cứu, phẫu thuật, ngoại sản tiếp đến các khoa có liên quan đến cấp cứu tai nạn thương tích khác. Nghiên cứu được thực hiện tại 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Trị, mỗi tỉnh chọn 3 huyện và mỗi quận/huyện chọn 4 xã/phường. Tổng số phiếu phỏng vấn thu được là 397 phiếu, trong đó 365 phiếu phỏng vấn về kiến thức, thái độ và thực hành của nhân viên y tế các tỉnh, huyện, xã về chấn thương và 32 phiếu phỏng vấn về khả năng đáp ứng chăm sóc chấn thương thiếu yếu của các bệnh viện tỉnh, huyện, xã/phường.
Nghiên cứu đã thu được các kết quả về tỉnh hình tai nạn thương tích tại các tuyến trong giai đoạn năm 2005-2006; kết quả về khả năng đáp ứng chăm sóc chấn thương thiết yếu tại các tuyến (bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện, TYT); kết quả về nhận thức, thái độ và thực hành của nhân viên y tế về tai nạn thương tích. Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên y tế và các danh mục trang thiết bị cần bổ sung nhằm đáp ứng tốt hơn công tác sơ cấp cứu, cấp cứu và điều trị, chăm sóc chấn thương thiết yếu ở cơ sở y tế các tuyến.