Tin tức

Amalgam – loại vật liệu hàn răng chứa Thủy ngân cần được loại bỏ

Amalgam là một trong các vật liệu hàn răng khá phổ biến, đã được sử dụng hơn 150 năm cho hàng triệu bệnh nhân trên khắp thế giới (toxicteeth.org).

Amalgam còn có được biết đến là “trám bạc” vì có màu giống như mảnh bạc. Tuy nhiên, thành phần chính để tạo nên vật liệu hàn răng amalgam là thủy ngân (chiếm khoảng 50% – dạng lỏng), chỉ có 20-35% là bạc, còn lại là các kim loại khác như đồng, thiếc và kẽm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kết luận rằng amalgam là nguồn tiếp xúc thủy ngân lớn nhất ở hầu hết người lớn. Đối với nha sĩ và nhân viên phòng khám nha khoa, trong quá trình chuẩn bị, pha trộn amalgam có thể bị phơi nhiễm với hơi thủy ngân thoát ra trong không khí. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiếp xúc, phơi nhiễm với thủy ngân trong quá trình sản xuất amalgam làm tăng khả năng bị sảy thai, mắc các vấn đề về sinh sản ở nha sĩ, phụ tá nữ và là nguyên nhân của các bệnh về trí nhớ và thoái hóa não như bệnh Alzheimer ở các nha sĩ nói chung và phụ tá của họ.

Với bệnh nhân, khi vết hàn răng bằng amalgam bị nứt (do quá trình nhai, nghiến thức ăn cứng hoặc do va chạm, tai nạn), thủy ngân sẽ theo vết nứt đó thoát ra khoang miệng, đi vào máu, làm ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân được hàn. Đặc biệt, tình trạng này phổ biến hơn ở những người thường nghiến răng để nhai kẹo cao su. Tác hại của Thủy ngân tới sức khỏe con người đã được nghiên cứu bởi nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và cũng đã được WHO cảnh báo., Chúng gây ra các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn như: Giảm khả năng phòng bệnh; tổn thương não, thận và hệ miễn dịch của trẻ; gây rối loạn trí nhớ; gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa (dạy dày, ruột), hô hấp, thần kinh; ảnh hưởng tới việc sinh đẻ; gây rụng tóc; ung thư da…

Thủy ngân từ amalgam có thể ảnh hưởng tới nhiều bộ phận cơ thể người

(Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới, Thủy ngân và sức khỏe, 3/2017)

Đáng chú ý, việc dùng amalgam để hàn răng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường không khí, đất và nước. Hơi thủy ngân trong quá trình tạo ra hỗn hợp amalgam và việc hỏa táng những người hàn răng bằng amalgam gây ra ô nhiễm không khí. Việc xử lý các chất thải amalgam từ các phòng khám nha khoa bằng cách thông thường; hoặc việc chôn lấp những người hàn răng bằng amalgam sẽ gây ra ô nhiễm các vùng đất và vùng nước gần đó. Chất thải amalgam đã được xác định là nguồn thủy ngân chính gây ô nhiễm đất vì nó làm giảm hoạt động của vi sinh vật trong đất, giảm độ màu mỡ và năng suất của đất. Sau một khoảng thời gian, thủy ngân trong không khí sẽ lắng xuống nước hoặc trên đất, rồi lại ngấm vào mạch nước. Trong môi trường này, một số sinh vật có thể biến đổi thủy ngân thành dạng độc hơn là methyl thủy ngân. Các loài sinh vật trong nước hấp thụ methyl thủy ngân, sau đó lại trở thành một trong những chuỗi thức ăn của các loài khác. Các loài cá sống lâu là đối tượng chứa lượng lớn chất tồn dư thủy ngân vì chúng có thời gian dài tiếp xúc với methyl thủy ngân.

Quá trình Thủy ngân từ các cơ sở nha khoa gây ô nhiễm môi trường

(Nguồn: Tổ chức phát triển môi trường và xã hội, Dental Amalgam highly toxic)

Công ước Minamata về Thủy ngân là một công ước có phạm vi toàn cầu nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi tác động tiêu cực từ Thủy ngân, được Việt Nam tham gia ký kết vào ngày 4 tháng 10 năm 2013 tại Nhật Bản. Trong phụ lục A-II thuộc Công ước Minamata về Thủy ngân, amalgam thuộc danh mục cần được giảm thiểu.

Để đạt được mục tiêu này, trước hết cần sử dụng một số loại vật liệu thay thế phổ biến không có thủy ngân như composite (trám sứ), glass ionomer, plastic ionomer, compomers, gold foil (mạ vàng)…. Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức của cả nha sĩ và người tiêu dùng để loại bỏ amalgam và các mối nguy liên quan đến nó. Các nha sĩ, người tư vấn nha khoa và các chuyên gia trị liệu nha khoa nên ngăn cản việc người tiêu dùng lựa chọn sử dụng amalgam và khuyến khích họ sử dụng các vật liệu thay thế không chứa thủy ngân khác.

Chọn composite thay vì amalgam (chứa 50% thủy ngân)

Hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn việc sử dụng amalgam trong hàn răng không còn nhiều, chủ yếu được dùng bởi một số nha sĩ cao tuổi, trên những bệnh nhân có lỗ hổng răng lớn hoặc bệnh nhân đã được hàn đi hàn lại nhiều lần bằng vật liệu khác. Trong quá trình từ chuẩn bị nguyên liệu cho đến hàn răng cho bệnh nhân mà nha sĩ không thực hiện đúng kỹ thuật và các biện pháp an toàn thì không chỉ nha sĩ, các nhân viên trong phòng khám nha khoa, mà cả bệnh nhân đều phải chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, việc xử lý chất thải từ hoạt động hàn răng bằng amalgam cũng như các chất thải thủy ngân khác là phức tạp và khó thực hiện, dễ dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Theo Thông tư 58/2015 của liên bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ y tế  chất thải Amalgam cũng được coi là một chất thải y tế nguy hại cần phải xử lý và tiêu hủy theo quy định để đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe   Để ngăn ngừa những ảnh hưởng có hại cho môi trường và sức khỏe  chúng ta cần phải có một kế hoạch giảm thiểu, tiến tới loại bỏ sử dụng amalgam, hướng đến một Việt Nam Không Thủy ngân trong Nha khoa.

 

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng và
Phòng chống chấn thương